Trong quá trình chăm sóc cá bảy màu, chắc hẳn ai cũng từng rơi vào trường hợp những chú cá của mình bị nhiễm bệnh. Một số căn bệnh khá nguy hiểm, có thể làm chết cá chỉ sau vài ngày nhiễm bệnh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nhận biết được các loại bệnh để có phương pháp chữa trị kịp thời. Qua bài viết này, TOP Thủy Sinh xin chia sẻ về một số căn bệnh thường gặp ở cá bảy màu.

Mua thuốc chữa bệnh cho cá bảy màu tại đây.

1. Bệnh nấm

Bệnh nấm là loại bệnh thường gặp ở cá bảy màu. Căn bệnh này nếu được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời sẽ mau khỏi. Nếu để nấm phát triển quá lâu, cá sẽ bị suy giảm miễn dịch, dễ nhiễm các bệnh nguy hiểm khác hoặc gây chết cá.

  • Dấu hiệu nhận biết: Dấu hiệu nhận biết sớm nhất để phát hiện bệnh nấm là cá lờ đờ nằm một chỗ, bơi lắc, chán ăn hoặc bỏ ăn hoàn toàn. Sau khi xuất hiện các triệu chứng khoảng 1-2 ngày, trên thân cá bắt đầu mọc các đốm trắng li ti. Bệnh nấm có nhiều dạng khác nhau như nấm trắng toàn thân, nấm bông, nấm mắt, nấm miệng…
  • Nguyên nhân: Chủ yếu là do nước trong bể nuôi bị nhiễm bẩn bởi thức ăn thừa tồn đọng. Cá bị stress dẫn đến tuột nhớt cũng tạo điều kiện để các tế bào vi nấm phát triển mạnh mẽ trên da cá.
  • Cách phòng ngừa: Thường xuyên vệ sinh bể nuôi và hút cặn đáy, cho cá ăn chế độ ăn khoa học tránh để thức ăn thừa tồn dư trong bể là cách phòng ngừa nấm hiệu quả nhất. Có thể sử dụng thêm các loại chế phẩm sinh học vi sinh bể cá nhằm ức chế sự hình thành và phát triển của tế bào nấm.

cá bị nấm

2. Bệnh túm đuôi, bơi lắc

Bệnh túm đuôi là một trong những bệnh thường gặp ở cá bảy màu. Căn bệnh này thường là dấu hiệu đi kèm với các bệnh như nấm và stress. Tuy nhiên, bệnh túm lắc không phải là một loại bệnh quá nguy hiểm và rất dễ chữa trị.

  • Dấu hiệu nhận biết: Cá bắt đầu có biểu hiện cụp đuôi và vây lưng, không xòe căng như bình thường. Cá bơi lờ đờ hoặc bơi lắc mạnh thân sang hai bên. Cá biếng ăn hoặc có thể bỏ ăn hoàn toàn.
  • Nguyên nhân: Đa số các trường hợp mắc bệnh túm lắc đều xuất phát bởi các căn bệnh khác như nấm hoặc stress. Có thể do cá bị sốc nước sau khi thay nước hoặc sau khi chuyển bể nuôi. Đôi khi do thay đổi thời tiết cũng có thể làm cá phát bệnh.
  • Cách phòng ngừa: Giữ môi trường nuôi cá luôn ổn định về nhiệt độ cũng như độ pH. Vệ sinh bể sạch sẽ, cho ăn các loại thức ăn giàu dinh dưỡng và vitamin để tăng đề kháng cho cá bảy màu. Tạo môi trường thân thiện, nhiều rong bèo và cây thủy sinh, dòng chảy nhẹ và hạn chế làm cá hoảng sợ để tránh cá bị stress.

ca bay mau tum lac

3. Bệnh xù vảy

Một căn bệnh thường gặp ở cá bảy màu nữa là bệnh xù vảy. Căn bệnh này khá nguy hiểm, thường đi kèm với bệnh sình bụng và thời gian chữa trị khá lâu. Lớp vảy bị xù ra có thể gây tổn thương cho cá khi cá bơi cọ vào thành bể hoặc các vật có trong bể cá. Nếu không phát hiện và chữa trị kịp thời có thể làm chết cá.

  • Dấu hiệu nhận biết: Bụng cá phình to bất thường, các lớp vảy cá dựng ngược xù ra như lông nhím. Cá lờ đờ, đứng một chỗ và ăn ít.
  • Nguyên nhân: Cá bị suy giảm miễn dịch, tuột nhớt gây mất lớp phòng thủ bên ngoài da cá dẫn đến vi khuẩn xâm nhập.
  • Cách phòng ngừa: Vệ sinh bể cá sạch sẽ và thay nước định kỳ hàng tuần. Sát khuẩn bể cá tối thiểu 1 lần/tháng bằng muối hột hoặc các dung dịch sát khuẩn chuyên dùng dành cho bể cá cảnh. Bổ sung các loại chế phẩm sinh học vi sinh bể cá nhằm ức chế các loại vi khuẩn có hại cho cá bảy màu.

bệnh xù vảy

4. Bệnh đường ruột

Bệnh đường ruột cũng là một căn bệnh thường gặp ở cá bảy màu. Bệnh này tuy không gây nguy hiểm tức thì nhưng làm giảm đáng kể tuổi thọ cũng như tốc độ phát triển của cá.

  • Dấu hiệu nhận biết: Cá bị trướng bụng(sình bụng) to bất thường, hoặc bị tóp bụng. Cá đi ngoài phân trắng và ăn ít.
  • Nguyên nhân: Cho cá ăn quá nhiều hoặc ăn các loại thức ăn không đảm bảo chất lượng dẫn đến rối loạn tiêu hóa, khó tiêu.
  • Cách phòng ngừa: Lựa chọn các loại thức ăn đảm bảo vệ sinh, xử lý thức ăn tươi sống trước khi sử dụng. Cho cá ăn thêm tảo Nhật giàu chất xơ và vitamin rất tốt cho tiêu hóa. Ngoài ra có thể sử dụng thêm chế phẩm sinh học vi sinh tiêu hóa BAC+ để tăng cường hệ tiêu hóa cho cá bảy màu.

cá bảy màu tóp bụng

5. Bệnh stress

Stress là một căn bệnh thường gặp ở cá bảy màu. Cá thay đổi môi trường sống đột ngột, vận chuyển xa hoặc sau thời gian điều trị căn bệnh khác thường rơi vào trạng thái stress. Bệnh này về bản chất không gây nguy hiểm đến cá, nhưng nó tác động đến sức đề kháng và suy giảm khả năng tiết nhớt làm cá dễ lây nhiễm các mầm bệnh khác.

  • Dấu hiệu nhận biết: Cá thiếu hoạt bát, đứng một chỗ hoặc thường xuyên núp một mình vào các góc khuất. Cá bỏ ăn hoặc chỉ ăn rất ít. Cá tỏ ra sợ sệt và thường xuyên lẩn trốn khi thấy bóng người xuất hiện.
  • Nguyên nhân: Cá mái bị cá đực đuổi dí nhiều, cá bị thay đổi môi trường sống đột ngột, sốc nước hoặc do thời tiết thay đổi bất chợt. Cá được vận chuyển xa hoặc sau một thời gian dài điều trị căn bệnh khác đều có thể gây hiện tượng stress.
  • Cách phòng ngừa: Tạo một môi trường sống thân thiện với cá bảy màu là vô cùng quan trọng. Trồng nhiều cây thủy sinh và thả rong bèo để môi trường bể nuôi gần gũi với môi trường sống ngoài thiên nhiên của cá bảy màu. Xử dụng các biện pháp để giữ môi trường nước sạch sẽ và ổn định, hạn chế những thay đổi bất thường trong bể cá cảnh. Thường xuyên tương tác với cá trong các bữa ăn để tạo sự thoải mái cho cá khi gặp người. Sau quá trình vận chuyển hoặc sau khi chữa khỏi bệnh cho cá, phải dưỡng lại cá bằng các loại thuốc như tetra Nhật, Liquid Bacter, Stress Coat…

cá bị stress

Bài viết này đã liệt kê nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết của một số căn bệnh thường gặp ở cá bảy màu. Nếu quý bạn đọc thấy những kiến thức trên là bổ ích, hãy chia sẻ bài viết này đến bạn bè hoặc người thân có cùng đam mê nuôi cá bảy màu nhé. Bạn đọc cũng đừng quên ghé thăm TOP Thủy Sinh thường xuyên để tìm hiểu thêm những kiến thức về cá bảy màu.

 

TOP Thủy Sinh – Shop cá bảy màu Hà Nội

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *